Hoa cà phê nở rộ, hàng vạn con ong theo chủ nhân “di cư” vào Tây Nguyên. Theo người làm nghề, nghề nuôi ong rong ruổi khắp mọi nơi, miệt mài như chính những con ong.
Từ nhiều năm nay, cứ vào khoảng thời gian trước, sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng Giêng, những người nuôi ong lấy mật trong Nam, ngoài Bắc vận chuyển ong vào các tỉnh Tây Nguyên để khai thác mật từ hoa cà phê, hoa điều…

Những túp lều tạm và “cơ nghiệp” của người nuôi ong nằm dưới tán hạt điều
Vào dịp này, tại các vùng chuyên canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, người nuôi ong đã đưa ong về nuôi, chuẩn bị cho mùa “đánh mật” mới. Nhờ thời tiết ôn hòa, chất lượng hoa tốt nên nuôi ong ở Đắk Nông cho sản lượng mật cao và hương thơm đặc trưng.
Là một người có thâm niên gần 8 năm trong nghề khai thác ong mật, anh Nguyễn Văn Sơn (trú tỉnh Hà Tĩnh) không quản đường xá xa xôi đã đưa ong đến huyện Đắk G’long nuôi, chờ ngày lấy mật.

Theo chủ nhân của 400 thùng ong, Đắk Nông có khí hậu ôn hòa
Theo chủ nhân của 400 thùng ong, Đắk Nông có khí hậu ôn hòa, cây cà phê trong giai đoạn phân hóa mầm hoa còn sung mãn, hoa to nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn. Từ đó, việc khai thác mật hoa luôn thuận lợi.
“Mỗi năm phải có 3-4 lần cho ong “di cư”. Mùa này thì chúng tôi chọn Đắk Nông vì diện tích cà phê, điều lớn, hoa nở đều. Đến khoảng tháng 3-4 lại đưa ong ra các tỉnh phía Bắc là mùa hoa vải, hoa nhãn. Sau đó lại đưa ong về Bình Dương, Bình Phước vì những rừng cao su bắt đầu thay lá”, anh này chia sẻ.

Theo người nuôi ong, muốn có mật ngon thì phải chịu khó tìm nơi nhiều hoa
“Nghề nuôi ong vất vả và công phu lắm. Muốn có mật ngon thì phải chịu khó tìm nơi nhiều hoa, đi xa. Chọn được vị trí đẹp thì ăn ở cùng đàn ong, chờ ngày quay mật luôn”, anh Sơn nói rồi chỉ tay về phía chiếc lán dựng tạm trong rừng điều.
Mỗi lít mật ong bán tại chỗ là 80.000-100.000 đồng. Với 500 thùng ong hiện có, mỗi năm anh Sơn quay được khoảng 50 tấn mật, sau khi trừ mọi chi phí thu về bình quân trên 200 triệu đồng.

Anh Trần Văn Long có 4 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật
Cũng giống anh Sơn, anh Trần Văn Long (trú tỉnh Bình Thuận) đưa đàn ong gần 300 thùng từ Bình Phước về Đắk Nông từ những ngày trước Tết Nguyên đán và một mình ở đây trông coi số ong này gần 3 tuần nay.
Chủ nhân trại ong này cho biết, nghề nuôi ong rong ruổi cả năm khắp nơi, cứ chỗ nào có hoa là người nuôi ong mang ong tới đặt. Thế nhưng vất vả, nặng nhọc thậm chí “ăn gió nằm sương” nhưng nhiều khi làm cả năm chỉ lấy được vốn.
Vừa rồi, gần 300 thùng ong của anh chỉ quay được khoảng hơn 30 thùng mật, khoảng hơn 500 lít. Dự kiến, mấy ngày tới anh sẽ di chuyển ong xuống lại Bình Phước.

Tranh thủ trời nắng ráo, anh Sơn phơi khô phấn hoa để dự trữ thức ăn cho ong
“Có đàn di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cách nhau cả ngàn cây số, bất ngờ bị thay đổi môi trường sống, ong dễ bị bệnh, thậm chí bị lạc đàn vào nhầm trại ong khác là chuyện bình thường. Có khi ong vào vườn mới phun thuốc trừ sâu, chết cả thùng thì coi như thùng ong đó bỏ đi”, anh Long nói.

Bà Hoa là một số ít người phụ nữ theo nghề nuôi ong
Là một trong số ít người phụ nữ theo nghề nuôi ong lấy mật, rong ruổi khăp các địa phương, bà Nguyễn Thị Hoa (trú Đồng Nai) bám trụ với nghề hơn 10 năm nay. Mỗi năm 4 lần, bà di chuyển 600 thùng ong của mình đi khắp các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Theo bà Hoa, những ngày phải ăn nằm dưới tán cao su, chăm sóc ong không khó khăn bằng thời điểm di chuyển ong đi địa phương khác. Các thùng ong đến khu vực mới phải thực hiện trong đêm, nơi đặt tổ kín gió để không làm ảnh hưởng đến đàn. Đàn ong di chuyển đến nơi ở mới phải ở xa khu dân cư.

Bà Hoa rong ruổi theo nghề hơn 10 năm nay với 600 thùng ong
Riêng thời điểm thu hoạch mật, người nuôi đều phải mặc quần áo che kín tay chân, đầu đội mũ lưới nhằm tránh bị ong đốt. Đặc biệt, để ong khỏi đốt, ong không bám vào cầu thì phải đốt củi ẩm tạo khói, khói càng nhiều, ong càng bay ra xa.
“Cả năm nuôi ong chỉ trông chờ vào ngày quay mật. Mật ngon hay dở phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nghề nuôi ong chúng tôi chỉ mong thời tiết thuận hòa, mưa nắng đúng vụ để ong làm mật “, chủ trại ong nói.

Nghề nuôi ong vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người
Theo các chủ trại ong, nghề nuôi ong tuy vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị và nhất là mang lại nguồn thu nhập. Khi hết mùa hoa cà phê, hoa điều, người nuôi ong lại “di cư” đến nơi khác, cần mẫn như những con ong thợ.
Bình luận
Những tin mới hơn
- Đắk Nông: Để người cách ly tại nhà bỏ trốn, người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm (20/02/2021)
- Đắk Nông: Tìm con trai bỏ trốn, sau khi mẹ chết trên rẫy (20/02/2021)
- Đắk Nông: Phát hiện thi thể 1 phụ nữ bị sát hại dã man trong rẫy vắng (20/02/2021)
- Đắk Nông: Hoang tàn dự án nuôi bò nghìn tỷ (20/02/2021)
- Đắk Nông: ‘Mạnh tay’ xử lý vi phạm nồng độ cồn, mua bán pháo nổ (19/02/2021)
- Đắk Nông: Cảnh báo tình trạng trốn cách ly y tế tại nhà (19/02/2021)
- Đắk Nông: Kịp thời dập tắt vụ cháy rừng tại thành phố Gia Nghĩa (18/02/2021)
- Đắk Nông: Cách ly tại nhà vẫn ‘vô tư’ qua hàng xóm, họ hàng chơi (18/02/2021)
- Bắt thanh niên trốn truy nã từ Lâm Đồng qua Đắk Nông (19/02/2021)
- Đắk Nông: Hàng nghìn người dân bị CSGT ‘chặn xe’ để lì xì (18/02/2021)
- Đắk Nông: Xét nghiệm COVID, giám sát sức khỏe người về từ vùng dịch Cẩm Giàng (17/02/2021)
- Đắk Nông: Cận cảnh dự án hơn 2.600 tỉ đồng bị ‘hóa kiếp’ thành dự án 254 tỉ đồng. (15/02/2021)
- Đắk Nông: Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu lơ là chống dịch (09/02/2021)
- Đắk Nông cách ly tại nhà với những người về từ TP.HCM (09/02/2021)
- Chủ tịch Đắk Nông lý giải cách ly tất cả những người trở về từ TPHCM (09/02/2021)
- Đắk Nông: Tòa án Quân sự tuyên phạt 6 bị cáo đầu độc rừng thông ven Quốc lộ 14 (06/02/2021)
- Đắk Nông: Hơn 3.1 tỷ đồng dành tặng quà Tết người có công với cách mạng (05/02/2021)
- Đắk Nông: Giáo viên mừng vì Bộ bỏ chứng chỉ, nhưng vẫn tiếc nuối đã mất tiền oan (05/02/2021)
- Đắk Nông: Hàng trăm hộ di dân gần 20 năm mỏi mòn chờ hộ khẩu (04/02/2021)
- Đắk Nông: Cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 4/2 để phòng Covid-19 (04/02/2021)